[bsa_pro_ad_space id=5]

[bsa_pro_ad_space id=5]

[???] Hội Chuyên Văn ? Top1Learn ? MARIO VARGAS LLOSA: NGHỆ THUẬT VĂN CHƯƠNG HƯ CẤU (PHẦN 2) Susannah Hunnewell và Ricardo Augusto Setti thực hiện —————— NGƯỜI PHỎNG VẤN Có phải vấn đề cá , shares-1✔️ , likes-0❤️️ , date-2024-04-11 08:52:41????????

? Top1Go : LINK ĐẾN NHÀ CUNG CẤP THƯƠNG HIỆU NÀY

??⛷???????????????????????????? …
MARIO VARGAS LLOSA: NGHỆ THUẬT VĂN CHƯƠNG HƯ CẤU

(PHẦN 2)
Susannah Hunnewell và Ricardo Augusto Setti thực hiện
——————
NGƯỜI PHỎNG VẤN

Có phải vấn đề cá nhân ông đề cập tới liên quan đến một sự cố xảy ra trong một rạp chiếu phim ở Mexico mà người ta nói rằng hai ông đã đánh nhau?

VARGAS LLOSA

Có một sự cố ở Mexico. Nhưng đây là một đề tài mà tôi không muốn bàn đến; nó đã gây ra quá nhiều sự suy đoán khiến tôi không muốn cung cấp thêm tài liệu cho các nhà bình luận nữa. Nếu tôi viết hồi ký, có lẽ tôi sẽ viết sự thật về chuyện đó.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Ông chọn những đề tài cho những cuốn sách của ông hay chúng chọn ông?

VARGAS LLOSA

Về phần tôi, tôi tin rằng đề tài lựa chọn tác giả. Tôi luôn có cảm giác rằng một số những câu chuyện nào đó đã bám lấy tâm trí tôi; tôi không thể bỏ qua chúng, bởi vì trong một cách mơ hồ nào đó, chúng có liên quan đến một thứ kinh nghiệm căn bản — tôi không thể nói rành mạch điều này diễn ra như thế nào. Chẳng hạn, thời gian tôi sống tại Trường Quân sự Leonico Prado ở Lima, hồi tôi vẫn còn là một cậu bé, đã mang đến cho tôi một nhu cầu cầm bút thực sự, một khát vọng cầm bút đầy ám ảnh. Đó là một kinh nghiệm cực kỳ tổn thương mà trên nhiều phương diện đã đánh dấu sự kết thúc của tuổi thơ tôi — đó là sự phát hiện thêm một lần nữa rằng đất nước của tôi là một xã hội cuồng bạo, đầy cay đắng, được tạo ra từ những bè phái xã hội, văn hoá, và chủng tộc hoàn toàn đối lập nhau và và bị cuốn vào cuộc tương tranh đôi khi rất dã man. Tôi cho rằng kinh nghiệm đó đã ảnh hưởng đến tôi; một điều chắc chắn nhất là nó đã làm nổi dậy trong tôi một nhu cầu lớn lao để sáng tạo, để phát kiến.

Cho tới lúc này, hầu như điều ấy xảy ra cho tất cả những cuốn sách của tôi. Tôi chưa bao giờ có cảm giác rằng tôi đã quyết định một cách duy lý, một cách lạnh lùng, để viết một cái truyện. Trái lại, những sự kiện hoặc những con người nào đó, đôi lúc những giấc mơ hay những gì đọc được trong sách vở, bất ngờ bám lấy tôi và đòi hỏi sự lưu tâm. Đó là lý do tại sao tôi nói rất nhiều về tầm quan trọng của những yếu tố hoàn toàn phi lý của công việc sáng tạo văn chương. Tôi tin rằng sự phi lý này cũng phải được chuyển tải đến người đọc. Tôi muốn những cuốn tiểu thuyết của tôi được đọc như cách tôi đọc những cuốn tiểu thuyết mà tôi yêu thích. Những cuốn tiểu thuyết quyến rũ tôi mạnh mẽ nhất chính là những cuốn đã đến với tôi bằng sức mê hoặc của chúng hơn là đi xuyên qua những nẻo đường trí tuệ hay lý lẽ. Đó là những câu chuyện có khả năng làm tê liệt tất cả những năng lực bình phẩm của tôi đến mức tôi rơi vào trong đó, chới với. Đó là loại tiểu thuyết mà tôi muốn đọc và loại tiểu thuyết mà tôi muốn viết. Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải làm sao cho cái yếu tố trí tuệ — mà sự hiện diện của nó thì không thể tránh khỏi trong một cuốn tiểu thuyết — hoà tan vào hành động, hoà tan vào những câu chuyện, mà những câu chuyện ấy phải quyến rũ độc giả không phải bằng những tư tưởng mà bằng màu sắc của chúng, bằng những cảm xúc mà chúng gợi nên, bằng yếu tố gây kinh ngạc, và bằng tất cả những sự hồi hộp và bí ẩn mà chúng có khả năng gây ra. Theo quan niệm của tôi, kỹ thuật của một cuốn tiểu thuyết có mặt là để chủ yếu tạo nên hiệu quả đó — để làm giảm thiểu và, nếu có thể, để xoá bỏ khoảng cách giữa câu chuyện và người đọc. Theo nghĩa đó, tôi là một tác giả của thế kỷ thứ 19. Một cuốn tiểu thuyết đối với tôi vẫn là một cuốn tiểu thuyết của những sự phiêu lưu, được đọc theo cái cách đặc thù mà tôi đã mô tả.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Điều gì đã xảy ra cho tính khôi hài trong tiểu thuyết của ông? Những tiểu thuyết gần đây nhất của ông có vẻ rất xa rời tính khôi hài trong cuốn Dì Julia và Người Viết kịch bản. Có khó để áp dụng sự khôi hài ở thời buổi này không?

VARGAS LLOSA

Chưa bao giờ tôi tự hỏi mình rằng hôm nay tôi sẽ viết một cuốn sách hài hước hay một cuốn sách nghiêm túc. Chủ đề của những cuốn sách tôi viết những năm gần đây chỉ không thích hợp với sự khôi hài. Tôi không nghĩ rằng Cuộc chiến ngày tận thế [4] và Cuộc đời thực của Alejandro Mayta,[5] hay những vở kịch tôi đã viết dựa trên những đề tài có thể coi là khôi hài. Nhưng còn cuốn Ca ngợi người mẹ kế [6] thì sao? Cũng có nhiều yếu tố khôi hài trong đó đấy chứ, phải không?

Tôi đã từng bị “dị ứng” với tính khôi hài bởi tôi đã nghĩ, một cách rất ngây thơ, rằng văn chương nghiêm túc thì không bao giờ cười cợt; rằng tính khôi hài có thể rất nguy hiểm nếu tôi muốn đề cập đến những vấn đề xã hội, chính trị hay văn hoá nghiêm túc trong tiểu thuyết của tôi. Tôi nghĩ rằng nó sẽ làm cho những câu chuyện của tôi trở nên hời hợt và cho độc giả cái ấn tượng rằng chúng chỉ là sự giải trí nhẹ nhàng chứ chẳng có gì khác. Đó là lý do tại sao tôi đã chối bỏ sự khôi hài, có thể vì sự ảnh hưởng của Sartre, người vốn lúc nào cũng rất thù nghịch với sự khôi hài, ít nhất trong tác phẩm của ông ấy. Nhưng đến một ngày, tôi khám phá ra là để có thể đem một kinh nghiệm cuộc đời nào đó vào văn chương, thì sự khôi hài có thể là một công cụ quý giá. Điều đó đã xảy ra với cuốn Pantaleon và Dịch vụ Đặc biệt.[7] Kể từ đó, tôi đã thấy rõ rằng sự khôi hài là một kho tàng vĩ đại, một thành tố căn bản của cuộc sống và, do đó, của văn chương. Và tôi không loại trừ khả năng nó sẽ lại đóng một vai trò nổi bật trong tiểu thuyết của tôi. Thực tế thì nó đã vậy. Nó cũng giữ vai trò quan trọng trong những vở kịch của tôi, đặc biệt là vở Kathie và con hà mã. [8]

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Ông có thể cho chúng tôi biết về thói quen làm việc của ông? Ông làm việc như thế nào? Một cuốn tiểu thuyết khởi sự như thế nào?

VARGAS LLOSA

Thoạt tiên, đó là một ảo ảnh diễn ra trong đầu, một hình thức nghiền ngẫm về một người, về một tình huống, cái gì đó chỉ xảy ra trong tâm trí. Thế rồi tôi bắt đầu ghi chép, tóm tắt các trình tự của câu chuyện: ai đó bước vào cảnh này tại đây, ra khỏi chỗ kia, làm chuyện này hay chuyện nọ. Khi tôi bắt đầu làm việc trên chính cuốn tiểu thuyết, tôi phác thảo một cái sườn tổng quát — nhưng tôi không bao giờ bám vào nó, tôi thay đổi nó hoàn toàn khi câu chuyện tiến triển, nhưng nó giúp tôi khởi sự. Rồi tôi bắt đầu ráp câu chuyện lại, mà không chút bận tâm gì về phong cách, viết đi viết lại những cảnh đó, tạo ra những tình huống hoàn toàn trái ngược nhau…

Cái chất liệu ban đầu đó giúp tôi, làm tôi vững lòng. Nhưng giai đoạn hành văn mới là lúc tôi thấy khó khăn nhất. Ở giai đoạn đó, tôi tiến hành rất thận trọng, luôn luôn không biết chắc được kết quả sẽ ra sao. Bản thảo đầu tiên được viết trong một trạng thái hoang mang thực sự. Rồi một khi đã xong được phần phác thảo — đôi khi mất rất nhiều thời gian; như cuốn Cuộc chiến ngày tận thế, giai đoạn đầu mất đến gần hai năm — thì mọi thứ thay đổi. Tôi biết rằng câu chuyện đã ở đó, bị lấp phía dưới cái mà tôi gọi là tầng nham thạch. Nó là một mớ bòng bong nhưng cuốn tiểu thuyết có mặt trong đó, bị chìm khuất trong những yếu tố vô sinh, tức là những cảnh dư thừa mà sau này sẽ biến mất đi hoặc những cảnh được lặp lại nhiều lần từ nhiều quan điểm khác nhau, từ những nhân vật khác nhau. Nó vô cùng hỗn loạn và chỉ có ý nghĩa đối với tôi. Nhưng câu chuyện được sinh ra từ bên dưới sự hỗn loạn đó. Bạn phải tách rời nó ra khỏi những thứ khác, làm cho nó sạch sẽ, và đó là công đoạn thú vị nhất. Từ đó trở đi tôi có thể làm việc nhiều giờ hơn mà không có cảm giác hoang mang hay căng thẳng đi kèm với giai đoạn viết bản nháp đầu tiên. Tôi nghĩ điều tôi yêu thích không phải là chính sự viết ra, mà là sự viết lại, sự biên tập, sửa lại… Tôi nghĩ đó là phần sáng tạo nhất của việc viết lách. Tôi không bao giờ biết khi nào thì tôi sẽ kết thúc một câu chuyện. Một mẩu chuyện tôi tưởng chỉ mất vài tháng đôi khi có thể mất vài năm để hoàn thành. Đối với tôi một cuốn tiểu thuyết dường như chỉ hoàn thành khi tôi cảm thấy rằng nếu tôi không kết thúc nó sớm, nó sẽ vượt qua khỏi tôi. Khi đã đạt đến độ bão hoà, khi tôi thấy đã đủ, khi tôi không còn chịu đựng được nữa, thì câu chuyện kết thúc.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Ông viết tay, đánh máy, hay thay đổi tuỳ lúc?

VARGAS LLOSA

Trước hết, tôi viết tay. Tôi luôn làm việc vào buổi sáng, và vào những giờ đầu tiên trong ngày, tôi luôn viết tay. Đó là những giờ sáng tạo nhất. Tôi không bao giờ làm việc như vậy nhiều hơn hai tiếng đồng hồ — tay tôi sẽ bị chuột rút. Rồi tôi bắt đầu đánh máy những gì tôi vừa viết, và khi đang đánh mày thì tôi sửa đổi chỗ này chỗ khác; đó có lẽ là giai đoạn đầu tiên của sự viết lại. Nhưng tôi luôn luôn chừa lại một vài dòng không đánh máy để ngày hôm sau tôi có thể bắt đầu bằng cách đánh phần còn lại của những gì tôi đã viết vào hôm trước. Khởi động máy đánh chữ tạo ra một hoạt năng nào đó — giống như giai đoạn làm nóng cơ thể trước khi tập thể dục.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Hemingway cũng dùng kỹ thuật tương tự khi chừa lại một câu dở dang để có thể tiếp tục vào ngày hôm sau…

VARGAS LLOSA

Vâng, Hemingway nghĩ rằng ông không bao giờ nên viết ra tất cả những gì ông nghĩ để rồi ông có thể bắt đầu dễ dàng hơn vào hôm sau. Dường như phần khó nhất đối với tôi luôn luôn là phần bắt đầu. Vào buổi sáng, bắt lại nguồn cảm hứng, sự hoang mang của nó… Nhưng nếu anh có điều gì cơ động để làm, thì công việc đã được bắt đầu. Cái máy bắt đầu hoạt động. Dù sao đi nữa, tôi có một lịch trình làm việc nghiêm ngặt. Mỗi buổi sáng cho đến hai giờ chiều, tôi ở trong phòng làm việc. Những giờ đó rất thiêng liêng đối với tôi. Điều đó không có nghĩa là lúc nào tôi cũng viết; thỉnh thoảng, tôi chỉ coi lại, hoặc ghi chú. Nhưng tôi duy trì công việc một cách có hệ thống. Dĩ nhiên có những ngày tốt cho sự sáng tạo và những ngày xấu. Nhưng tôi làm việc mỗi ngày ngay cả khi tôi không có ý tưởng gì mới, tôi có thể dành thời gian để điều chỉnh, xem lại, ghi chú, vân vân… Đôi khi tôi quyết định viết lại một đoạn đã hoàn chỉnh, chỉ để thay đổi dấu chấm câu.

Từ thứ Hai đến thứ Bảy, tôi làm việc với cuốn tiểu thuyết đang viết, và tôi dành buổi sáng Chủ Nhật để làm những công việc báo chí — tiểu phẩm và tiểu luận. Tôi cố giữ công việc này trong thời gian được quy định vào sáng chủ nhật để nó không ảnh hưởng vào công việc sáng tác của những ngày còn lại trong tuần. Thỉnh thoảng tôi nghe nhạc cổ điển khi tôi ghi chép, miễn là nhạc đừng có lời. Tôi bắt đầu chuyện đó lúc tôi sống trong một ngôi nhà rất ồn ào. Vào buổi sáng, tôi làm việc một mình, không có ai đến phòng làm việc của tôi. Tôi thậm chí không nghe điện thoại. Nếu tôi làm thế, cuộc sống của tôi sẽ là một địa ngục trần gian. Anh không thể hình dung được có bao nhiêu cú điện thoại và khách khứa đến với tôi. Ai cũng biết căn nhà này. Địa chỉ của tôi không may lại rơi vào trong phạm vi công cộng.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Ông chưa bao giờ rời bỏ cái lịch trình kham khổ này?

VARGAS LLOSA

Dường như tôi không thể, vì tôi không biết làm việc cách nào khác. Nếu tôi phải chờ đến lúc có hứng, tôi sẽ không bao giờ viết xong một cuốn sách. Cảm hứng đối với tôi đến từ những nỗ lực liên tục. Lịch trình này cho phép tôi làm việc, với sự vui thích hay không, tuỳ ngày.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Victor Hugo, cùng với những nhà văn khác, tin vào năng lực kỳ diệu của cảm hứng. Gabriel García Márquez kể rằng sau nhiều năm vật lộn với cuốn Trăm năm cô đơn, cuốn tiểu thuyết đã tự nó viết ra trong đầu ông ấy trong một chuyến du hành đến Acapulco bằng xe hơi. Còn ông thì lại vừa mới cho rằng cảm hứng đối với ông là một sản phẩm của sự kỷ luật, nhưng chẳng lẽ ông chưa bao giờ nghe nói đến cái giây phút “bừng sáng” mà nhiều người truyền tụng ấy?

VARGAS LLOSA

Điều đó chưa từng xảy ra với tôi. Nó là một quá trình chậm chạp hơn nhiều. Lúc đầu có điều gì đó rất mơ hồ, một trạng thái cảnh giác, một điềm báo, một điều gây thắc mắc. Một cái gì đó tôi nhận ra trong cõi mù mịt và chập chờn quanh tôi khiến tôi chú ý, tò mò, và phấn khích, và rồi tự nó biến thành công việc, những thẻ ghi chú, bản tóm tắt cốt truyện. Rồi đến khi tôi có cái sườn truyện và bắt đầu sắp đặt mọi sự việc theo trật tự, thì một điều gì đó rất tản mạn, rất mơ hồ vẫn còn lởn vởn. Giây phút “bừng sáng” chỉ xảy ra trong khi làm việc. Chính cái công việc cực nhọc ấy mới có thể bất ngờ tháo xích xổ chuồng cho cái… cảm thức trực ngộ ấy, cảm giác phấn khích ấy và điều này có khả năng đem lại sự khai mở, đáp án, và ánh sáng. Khi tôi chạm đến trọng tâm của câu chuyện mà tôi đã làm việc được một thời gian, thì, vâng, có điều gì đó thật sự xảy ra. Câu chuyện không còn lạnh lùng và tách rời khỏi bản thân tôi nữa. Trái lại, nó trở nên rất sống động, rất hệ trọng đến mức tất cả những gì tôi trải nghiệm chỉ tồn tại trong mối tương quan với những gì tôi viết. Những gì tôi nghe ra, nhìn thấy, đọc được dường như cách này hay cách khác hỗ trợ cho tác phẩm của tôi. Tôi giống như một kẻ ăn thịt người của thực tại. Nhưng để đạt đến trạng thái này, tôi phải đi qua sự thanh tẩy của công việc. Tôi sống một kiểu đời sống mãi mãi có hai mặt. Tôi làm hàng nghìn chuyện khác nhau nhưng bao giờ tôi cũng suy nghĩ về tác phẩm của tôi. Rõ ràng, đôi khi nó trở thành ám ảnh, gây hoang mang tâm thần. Trong những lúc đó, đi xem một cuốn phim giúp tôi thấy thư giãn trở lại. Cuối một ngày làm việc căng thẳng, khi tôi thấy tôi ở trong một trạng thái đầu óc rối bời, một cuốn phim có thể làm được nhiều điều hay ho.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Pedro Nava, nhà văn chuyên viết hồi ký, đã đi xa đến mức vẽ ra cả những nhân vật của ông ấy — khuôn mặt, tóc tai, áo quần của họ. Ông có bao giờ làm thế không?

VARGAS LLOSA

Không, nhưng trong một số trường hợp nào đó, tôi có tạo ra những bản tiểu sử. Điều này tuỳ vào cách tôi cảm nhận nhân vật. Mặc dù các nhân vật đôi khi hiện ra với tôi bằng hình ảnh thị giác, tôi cũng nhận ra họ qua cách họ thể hiện bản thân hoặc trong mối liên hệ với các sự kiện xung quanh họ. Nhưng cũng có khi một nhân vật được định hình bằng những đặc điểm thể chất mà tôi phải ghi các chi tiết xuống trang giấy. Nhưng bất kể tất cả những gì bạn ghi nhận cho một cuốn tiểu thuyết, tôi nghĩ rằng rốt cuộc thì điều đáng kể chính là điều mà trí nhớ chọn lọc. Điều gì còn lại là điều quan trọng nhất. Đó là lý do tôi không bao giờ đem máy nhiếp ảnh theo với tôi trong những chuyến thám du nghiên cứu.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Như vậy, trong một khoảng thời gian nào đó, các nhân vật của ông không có liên hệ với nhau? Mỗi người có một lịch sử riêng của họ?

VARGAS LLOSA

Lúc đầu, mọi thứ rất lạnh lẽo, rất giả tạo và chết cứng! Dần dần, tất cả bắt đầu trở nên sống động, khi mỗi nhân vật bắt đầu giao thiệp và liên hệ với nhau. Đó là điều thật tuyệt vời và hấp dẫn: khi bạn bắt đầu phát hiện rằng những tuyến động lực đó đã tồn tại một cách tự nhiên trong câu chuyện. Nhưng trước khi đạt đến điểm đó, không có gì khác ngoài sự làm việc, làm việc và làm việc triền miên. Trong đời sống hằng ngày, có những con người nào đó, những biến cố nào đó, dường như có thể làm đầy một khoảng trống hay đáp ứng một nhu cầu trong tác phẩm. Đột nhiên bạn nhận ra một cách chính xác những gì bạn cần biết để mang vào đoạn văn mà bạn đang viết. Điều mô tả trong truyện thì không bao giờ đúng với con người thật ngoài đời, nó thay hình đổi dạng, bị uốn nặn cho khác đi. Tuy nhiên sự bắt gặp bất ngờ đó chỉ xảy ra khi câu chuyện đã đến một giai đoạn chín muồi, khi mọi thứ dường như là để bồi dưỡng cho nó phát triển thêm. Đôi khi, đó là một kiểu trực nhận: Ồ, đó là khuôn mặt mà tôi đang tìm kiếm, cái ngữ điệu đó, cách nói đó… Mặt khác, bạn có thể không kiểm soát được các nhân vật của bạn, mà điều đó thì thường xuyên xảy ra với tôi bởi vì các nhân vật của tôi không bao giờ được sinh ra thuần tuý bằng những sự cân nhắc hợp lý. Sự có mặt của các nhân vật là biểu hiện của những động lực thiên về bản năng tự phát trong công việc. Đó là lý do tại sao một số nhân vật tức khắc trở nên quan trọng hơn hoặc dường như tự tiến triển, thật vậy. Những nhân vật khác thì bị loại ra phía sau, mặc dù thậm chí đó không phải là do chủ tâm của người viết, từ lúc khởi sự. Đó là phần thú vị nhất của công việc, khi bạn nhận ra rằng có những nhân vật nào đó đang đòi hỏi vị trí nổi bật hơn, khi bạn bắt đầu thấy rằng câu chuyện được chế tài bởi những quy luật riêng của nó mà bạn không thể vi phạm được. Sự việc trở nên hiển nhiên rằng một tác giả không thể nặn ra các nhân vật như ý ông ta muốn, rằng chính các nhân vật có một sự tự quyết nào đó. Đó là giây phút lý thú nhất khi bạn phát hiện ra cuộc sống trong những gì bạn đã sáng tạo, một cuộc sống mà bạn phải tôn trọng.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Rất nhiều tác phẩm của ông được sáng tác bên ngoài đất nước Peru, trong cái mà người ta có thể gọi là một sự lưu vong tự nguyện. Có lần ông đã phát biểu rằng sự kiện Victor Hugo sáng tác bên ngoài đất nước của chính mình đã góp phần làm nên sự vĩ đại của một cuốn tiếu thuyết như Những người khốn khổ. Thấy mình tách xa ra khỏi sự “quay cuồng đến chóng mặt của thực tại” thì ít nhiều là một lợi thế cho việc tái hiện chính cái thực tại đó. Ông có thấy thực tại là một nguồn cơn của sự quay cuồng đến chóng mặt không?

VARGAS LLOSA

Vâng, theo nghĩa là tôi chưa bao giờ có thể viết về cái gì gần gũi với tôi. Sự gần gũi kiềm chế tôi trong ý nghĩa rằng nó không cho phép tôi làm việc một cách tự do. Điều rất quan trọng là được làm việc với đầy đủ sự tự do thì bạn mới có điều kiện để chuyển hoá hiện thực, để thay đổi con người, để làm cho họ hành động khác đi, hay để mang một yếu tố cá nhân vào trong câu chuyện, một điều gì đó hoàn toàn tuỳ ý. Điều đó cực kỳ cần thiết. Đó mới chính là sự sáng tạo. Nếu bạn có một thực tại trước mặt, tôi có cảm tưởng, nó sẽ trở thành một sự ước thúc. Tôi luôn cần một khoảng cách nào đó, về thời gian, hoặc tốt hơn nữa, trong thời gian và không gian. Trong ý nghĩa đó, sự lưu vong rất hữu ích. Nhờ đó, tôi đã khám phá ra kỷ luật. Tôi đã phát hiện rằng việc viết là việc làm, và đa phần, là một trách vụ. Khoảng cách bao giờ cũng cần thiết bởi tôi tin vào tầm quan trọng to lớn của sự cảm hoài đối với nhà văn. Nói chung, sự vắng mặt của đề tài lại làm cho ký ức phong phú thêm. Ví dụ, đất nước Peru trong cuốn Thanh Lâu [9] không chỉ là một sự mô tả hiện thực, mà còn là đề tài về nỗi hoài hương cho một con người bị chia lìa khỏi đất nước ấy và cảm nhận một niềm khao khát đau đớn về nó. Đồng thời, tôi nghĩ rằng khoảng cách tạo ra một góc nhìn hữu ích. Nó thanh giản cái hiện thực vốn đã làm cho mọi thứ thành rắc rối và làm ta chóng mặt. Rất khó để chọn lựa hay phân biệt cái gì là quan trọng và cái gì là thứ yếu. Khoảng cách làm cho sự phân biệt đó khả thi. Nó thiết lập được những hệ thống thứ bậc cần thiết giữa những gì thiết yếu và những gì thoáng qua.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Trong một tiểu luận xuất bản cách đây vài năm, ông viết rằng văn chương là một niềm đam mê, và niềm đam mê đó là độc quyền và nó đòi hỏi phải hy sinh tất cả nhưng lại không được hy sinh chính nó. “Bổn phận tiên quyết không phải là sống mà là viết,” câu này làm tôi nhớ đến một câu mà Fernando Pessoa, nhà thơ người Bồ Đào Nha, đã viết: “Tìm phương hướng là cần thiết, sống thì không cần thiết.”

VARGAS LLOSA

Bạn có thể nói rằng viết là cần thiết và sống thì không cần thiết… Có lẽ tôi nên nói điều gì đó về bản thân tôi, để người ta có thể hiểu rõ tôi hơn. Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã xem văn chương là điều rất hệ trọng. Nhưng ngay cả khi tôi đã đọc và viết rất nhiều trong thời gian còn đi học, tôi cũng không bao giờ tưởng tượng nổi rằng một ngày nào đó tôi sẽ dấn thân hẳn vào con đường văn chương, bởi vì vào lúc ấy thì chuyện đó có vẻ quá phù phiếm đối với một người Châu Mỹ Latin, đặc biệt là một người Peru. Tôi theo đuổi những thứ khác: tôi dự định theo ngành luật, làm một giáo sư hoặc một ký giả. Tôi chấp nhận gác những gì thiết yếu đối với tôi ra đằng sau.

Nhưng khi tôi đến Âu Châu với một suất học bổng sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nhận ra rằng nếu tôi tiếp tục suy nghĩ theo cách đó thì tôi sẽ không bao giờ có thể trở thành một nhà văn, rằng cách duy nhất là phải quyết định chính thức rằng văn chương không chỉ là mối bận tâm chính của tôi mà còn là nghề nghiệp của tôi. Đó là lúc tôi quyết định dấn thân hẳn vào văn học. Và bởi vì tôi không thể tự nuôi sống bản thân mình bằng cách đó, tôi đã quyết định sẽ tìm những công việc làm có thể cho tôi thời gian để viết và những việc làm đó không bao giờ trở thành ưu tiên. Nói cách khác, tôi lựa chọn những việc làm thích hợp với công việc của tôi như một nhà văn. Tôi cho rằng quyết định đó đã đánh dấu một bước ngoặt trong đời tôi bởi vì từ đó tôi có đã sức mạnh để viết. Có một sự thay đổi về tâm lý. Đó là lý do tại sao văn chương đối với tôi có vẻ giống như một niềm đam mê hơn là một nghề nghiệp. Rõ ràng, nó là một cái nghề vì tôi nhờ nó để mưu sinh. Nhưng ngay cả nếu tôi không thể tự nuôi sống bằng nó đi nữa, thì tôi sẽ vẫn tiếp tục viết. Văn chương thì khác hơn là một thứ thoả hiệp. Tôi tin rằng một nhà văn chọn dấn thân hoàn toàn vào công việc, dốc lòng phục vụ cho văn chương thay vì gộp nó vào với các mối quan tâm khác, là điều tuyệt đối quan trọng.

Một số người xem văn chương như là một sinh hoạt bổ sung hoặc trang trí cho một cuộc đời vốn dành để theo đuổi những thứ khác hay thậm chí như một cách để đạt được thanh thế và quyền lực. Trong những trường hợp đó, có một sự tắc nghẽn, đó chính là văn chương đang trả thù chính nó, nó không cho phép bạn viết với một chút tự do, táo bạo hay độc đáo nào cả. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng việc dấn thân hoàn toàn vào văn chương là điều rất quan trọng. Điều lạ là trong trường hợp của tôi, khi quyết định điều đó, tôi nghĩ là tôi đã chọn một cuộc sống khó nhọc, vì tôi chưa bao giờ tưởng tượng văn chương sẽ nuôi sống tôi nổi, chứ đừng nói là sống một cách sung túc. Nó như là một thứ phép lạ. Tôi vẫn chưa hiểu hết. Tôi đã không phải tự tước bỏ bất cứ thứ gì thiết yếu ra khỏi bản thân mình để viết. Tôi còn nhớ cảm giác thất vọng và buồn chán với bản thân khi tôi không viết được, lúc còn sống ở Peru trước khi đi Âu Châu. Tôi đã lập gia đình khi còn rất trẻ và tôi phải làm bất cứ công việc gì có thể tìm được. Có lúc tôi có đến bảy việc làm! Dĩ nhiên là tôi không thể viết gì được. Tôi đã viết vào Chủ nhật hay ngày lễ, nhưng phần lớn thời gian tôi phải dành cho những công việc nhàm chán không dính dáng gì đến văn chương và tôi cảm thấy thất vọng khủng khiếp vì điều đó. Giờ đây, mỗi sáng thức dậy, tôi thường ngạc nhiên trước ý nghĩ rằng tôi có thể dành thời gian trong đời để làm những việc đem lại cho tôi niềm vui sướng lớn lao nhất, và hơn nữa, có thể sống nhờ nó, và sống sung túc.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Văn chương có làm cho ông trở nên giàu không?

VARGAS LLOSA

Không, tôi không phải là một người giàu có. Nếu bạn so sánh lương của một nhà văn với lương của một chủ tịch công ty, hay so với một người đã nổi danh trong một nghề nghiệp chuyên môn nào đó, hoặc so với một người đấu bò hay một vận động viên hàng đầu ở Peru, bạn sẽ thấy văn chương vẫn còn là một nghề rẻ mạt.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Có lần ông nhắc lại là Hemingway đã cảm thấy cùng lúc vừa trống rỗng, vừa buồn bã, vừa sung sướng sau khi viết xong một cuốn sách. Còn ông thì cảm thấy như thế nào trong những trạng huống như thế?

VARGAS LLOSA

Cũng y như vậy. Khi viết xong một cuốn sách, tôi cảm thấy trống rỗng, bần thần, vì cuốn tiểu thuyết đã trở thành một phần của tôi. Ngày này qua ngày khác, tôi cảm thấy như chính mình bị tước mất nó — như một người nghiện bỏ uống rượu. Nó là cái gì đó không đơn thuần là phụ kiện; chính cuộc sống đột nhiên như bị tước rời khỏi tôi. Cách chữa trị duy nhất là lập tức lao vào một công việc khác nào đó; điều ấy không phải là khó bởi tôi có hàng ngàn dự án để nhúng tay vào. Nhưng tôi luôn phải trở lại làm việc ngay lập tức, mà không có một giai đoạn chuyển tiếp nào dù ngắn nhất, với mục đích là tôi không để cho sự trống rỗng tự nó đào sâu hơn giữa cuốn sách trước đó và cuốn tiếp theo.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Chúng ta đã đề cập đến những tác giả có những tác phẩm mà ông ngưỡng mộ. Bây giờ chúng ta hãy nói về tác phẩm của ông. Có đôi lần ông đã nói rằng Cuộc chiến ngày tận thế là cuốn sách hay nhất của ông. Ông có còn nghĩ như thế không?

VARGAS LLOSA

Đó là cuốn tiểu thuyết mà tôi đã bỏ nhiều công nhất, cuốn tiểu thuyết mà tôi đã dốc toàn lực để viết. Tôi mất đến bôn năm để viết nó. Tôi đã phải nghiên cứu nhiều kinh khủng, đọc nhiều kinh khủng, và phải vượt qua những trở ngại lớn lao vì đó là lần đầu tiên tôi viết về một đất nước khác đất nước của tôi, trong một thời đại không phải của tôi, và làm việc với những nhân vật nói một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ của cuốn sách. Nhưng chưa bao giờ có một câu chuyện nào gây phấn khích cho tôi nhiều bằng câu chuyện đó. Tất cả những gì liên quan đến tác phẩm đó đều mê hoặc tôi, từ những thứ tôi đọc được cho đến chuyến du hành xuyên qua vùng Đông Bắc. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy ưu ái đặc biệt đối với cuốn sách đó. Đề tài đó còn cho phép tôi viết loại tiểu thuyết mà tôi luôn luôn muốn viết, một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm, trong đó sự phiêu lưu mạo hiểm là chính yếu — không chỉ là một cuộc phiêu lưu tưởng tượng mà là một cuộc phiêu lưu có liên hệ một cách sâu sắc đến những vấn nạn lịch sử và xã hội. Đó có lẽ là nguyên nhân tại sao tôi xem Cuộc chiến ngày tận thế là cuốn sách quan trọng nhất của tôi. Tất nhiên, những nhận xét như vậy bao giờ cũng rất chủ quan. Tác giả không thể nhìn tác phẩm của mình một cách khách quan đủ để thiết lập những loại hệ thống thứ bậc như thế. Cuốn tiểu thuyết đó trở thành một sự thách thức khủng khiếp mà tôi muốn vượt qua. Lúc đầu, tôi rất lo ngại. Số lượng khổng lồ của những tài liệu nghiên cứu đã làm tôi chóng mặt. Bản thảo đầu tiên của tôi rất đồ sộ, chắc hẳn là dày gấp đôi cuốn tiểu thuyết lúc xuất bản. Tôi tự hỏi làm sao tôi có thể điều phối cả hàng đống những cảnh huống, hàng ngàn những câu chuyện nho nhỏ như thế. Tôi lo lắng suốt cả hai năm. Thế rồi, tôi thực hiện chuyến đi qua vùng Đông Bắc, xuyên qua Sertao, và đó chính là bước ngoặt. Lúc đó tôi đã làm xong một cái sườn ý tưởng. Tôi muốn hình dung ra câu chuyện trước, dựa trên những gì có sẵn trong các tài liệu nghiên cứu, rồi mới thực hiện chuyến đi. Chuyến đi đã chứng thực một số điều và giúp tôi thấu hiểu thêm nhiều điều khác. Tôi cũng đã được rất nhiều người giúp đỡ. Thoạt đầu, đề tài này không phải dành cho cuốn sách mà cho một cuốn phim do Ruy Guerra đạo diễn. Người điều hành Paramount ở Paris lúc ấy, vốn là một người quen biết với tôi, một hôm gọi tôi và hỏi tôi có muốn viết kịch bản cho một cuốn phim họ sẽ sản xuất cho Guerra. Tôi đã xem một trong những phim của ông ấy, Những chiến binh dịu dàng (Tender Warriors), và tôi rất thích; thế là tôi đến Paris để gặp ông ấy. Ông ấy giải thích cho tôi biết ông ấy muốn làm gì. Ông ấy nói trong đầu ông ấy có một câu chuyện ít nhiều liên hệ đến cuộc chiến ở Canudos. Chúng tôi không thể làm một cuốn phim về Canudos, vì đề tài đó quá rộng, nhưng có thể làm về một cái gì có liên hệ ít nhiều đến nó. Tôi không biết gì về cuộc chiến ở Canudos,[10] tôi cũng chưa từng nghe nói về nó. Tôi bắt đầu nghiên cứu về nó, đọc về nó, và một trong những thứ đầu tiên tôi đọc bằng tiếng Bồ-đào-nha chính là cuốn Vùng nội địa [11] của Euclides da Cunha. Đó là một trong những phát hiện lớn trong đời tôi với tư cách là một độc giả, tương tự như việc đọc cuốn Ba chàng lính ngự lâm khi còn nhỏ, hay Chiến tranh và hoà bình, Bà Bovary, và Cá voi trắng khi đã trưởng thành. Quả là một cuốn sách tuyệt vời, một kinh nghiệm căn để. Tôi hoàn toàn bị choáng ngợp vì nó; nó là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất mà Châu Mỹ Latin đã tạo ra được. Đó là một cuốn sách vĩ đại vì nhiều lý do nhưng trên hết vì nó là một cẩm nang cho “tính cách Mỹ Latin” — bạn khám phá ra lần đầu tiên những gì không phải là châu Mỹ Latin. Nó không phải là tổng số của những thứ nó du nhập. Nó không phải là châu Âu, châu Phi, châu Mỹ thời tiền-Hispanic, hay những cộng đồng thổ dân — nhưng cùng một lúc, nó là hỗn hợp của tất cả những yếu tố cùng tồn tại trong một cách thế khắc nghiệt và đôi khi tàn bạo. Tất cả những điều đó đã tạo nên một thế giới mà ít có tác phẩm nào chụp bắt được với một trí tuệ và tài năng văn chương lạ thường như cuốn Những vùng nội điạ. Nói cách khác, người mà tôi thực sự mắc nợ cho sự ra đời của cuốn Cuộc chiến ngày tận thế chính là Euclides da Cunha. Tôi nghĩ là tôi đã đọc gần như tất cả những gì đã được xuất bản về cuộc chiến ở Canudos cho đến lúc ấy. Trước hết, tôi đã viết một kịch bản cho bộ phim không bao giờ được sản xuất vì nhiều vấn đề mà nó gặp phải, những vấn đề cố hữu của ngành điện ảnh. Dự án đã tiến triển khá tốt, việc sản xuất đã bắt đầu, nhưng một ngày nọ Paramount quyết định là bộ phim sẽ không được làm và quả là nó đã không được làm. Đó là một thất vọng đối với Ruy Guerra, nhưng tôi vẫn có thể tiếp tục theo đuổi cái đề tài đã từng làm cho tôi say mê một thời gian dài nhưng chỉ đưa đến một kết quả thật khiêm tốn — suy cho cùng, một kịch bản cũng chẳng to tát gì. Thế là tôi bắt đầu đọc lại, tiếp tục nghiên cứu; và tôi đã đạt đến một đỉnh cao của sự cuồng nhiệt mà ít có cuốn sách nào từng gây hứng khởi cho tôi được như thế. Tôi đã từng làm việc từ mười đến mười hai tiếng đồng hồ một ngày cho dự án đó. Dù vậy, tôi vẫn lo ngại phản ứng của đất nước Brazil đối với nó. Tôi e là nó sẽ bị xem như can dự vào một vấn đề riêng tư… nhất là khi đã có một nhà văn người Brazil từng viết về đề tài đó. Có một vài bài phê bình bất ưng về cuốn sách, nhưng nhìn chung, nó được giới phê bình đón nhận một cách rộng lượng và nhiệt thành — kể cả đại chúng nữa — và điều đó đã làm tôi cảm động. Tôi cảm thấy như được thưởng công cho những nỗ lực của mình.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Ông nghĩ gì về cái chuỗi dài của những sự ngộ nhận tiêu biểu cho bản chất của cuộc chiến Canudos: phe cộng hoà cực đoan thấy những người nổi loạn đang có âm mưu lật đổ nền quân chủ và chủ nghĩa đế quốc Anh, trong khi chính những người nổi loạn thì lại tin rằng họ đang chiến đấu chống lại cái ác. Phải chăng người ta có thể gọi đây là một lối ẩn dụ về ý thức hệ?

VARGAS LLOSA

Có thể đối với một người Mỹ Latin thì giá trị của cuộc chiến Canudos nằm ở đó, bởi vì sự mù-quáng-hỗ-tương sinh ra từ nhãn quan cuồng tín về thực tại cũng chính là sự mù-quáng-hỗ-tương ngăn cản tầm mắt của chúng ta trước những mâu thuẫn giữa hiện thực và các viễn kiến mang tính lý thuyết. Bi kịch của Châu Mỹ Latin là ở chỗ, vào những thời điểm khác nhau trong lịch sử, bởi vì chính sự mù-quáng-hỗ-tương ấy mà các quốc gia của chúng tôi đã tự chia rẽ và lâm vào những cuộc nội chiến, những cuộc đàn áp khốc liệt, những cuộc thảm sát như ở Canudos. Có lẽ một trong những lý do khiến tôi bị cuốn hút vào đề tài cuộc chiến Canudos chính là vì hiện tượng đó có thể được khảo sát trong phạm vi thu nhỏ, như trong phòng thí nghiệm, có thể nói như thế. Nhưng rõ ràng, đó là một hiện tượng chung: sự cuồng tín và sự bất khoan dung đè nặng lên lịch sử chúng tôi; dù đó là những cuộc nổi loạn mang tính tôn giáo, những cuộc nổi loạn theo chủ trương xã hội chủ nghĩa hay không tưởng, hay những tranh chấp giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến. Và nếu nó không phải là do người Anh nhúng tay vào, thì nó cũng là do đế quốc Mỹ, hay do đám hội viên Hội Tam Điểm, hay là do ma quỷ gì đó. Lịch sử của chúng tôi đã được đánh dấu bởi sự bất lực của chúng tôi trong việc chấp nhận những sự bất đồng về quan điểm.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Có một lần ông viết rằng chưa có một tác phẩm nào khác của ông thích ứng với cái lý tưởng huyền hư của tiểu thuyết như cuốn sách này. Ý của ông là thế nào?

VARGAS LLOSA

Tôi nghĩ tiểu thuyết, như một thể loại, thiên về sự thái quá. Nó có khuynh hướng tăng trưởng nhanh chóng, cốt truyện phát triển như một căn bệnh ung thư. Nếu tác giả theo đuổi mọi đầu mối của cuốn tiểu thuyết, nó sẽ trở thành một khu rừng rậm. Tham vọng kể toàn bộ câu chuyện là đặc tính cố hữu của thể loại này. Mặc dù tôi luôn cảm thấy đến một thời khắc nào đó bạn phải giết chết câu chuyện để nó không kéo dài vô tận, tôi cũng tin rằng việc kể chuyện là một nỗ lực để đạt tới cái lý tưởng của cuốn tiểu thuyết “trọn vẹn” ấy. Ở phương diện đó, cuốn tiểu thuyết mà tôi đã theo đuổi xa nhất chính là Cuộc chiến ngày tận thế, không còn nghi ngờ gì nữa.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Trong cuốn Mayta và cuốn Cuộc chiến ngày tận thế, ông nói rằng ông muốn nói dối trong sự hiểu biết toàn diện về sự thật. Ông có thể giải thích được không?

VARGAS LLOSA

Để hư cấu, tôi luôn phải bắt đầu từ một hiện thực cụ thể. Tôi không biết điều đó có đúng với tất cả các tiểu thuyết gia khác hay không, nhưng tôi luôn cần một bệ nhún của hiện thực. Đó là lý do tại sao tôi phải nghiên cứu và tham quan những nơi chốn xảy ra sự kiện, chứ không phải vì tôi chỉ muốn tái tạo hiện thực. Tôi biết điều đó là bất khả. Ngay cả khi tôi muốn tái tạo hiện thực thì kết quả cũng chẳng hay ho chút nào, nó sẽ là một điều gì hoàn toàn khác.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Ở cuối cuốn Mayta, người kể chuyện cho chúng ta biết nhân vật chính, bây giờ là chủ của một quán rượu, gặp khó khăn trong việc nhớ lại những sự kiện vốn rất quan trọng cho người kể chuyện. Chuyện đó có thực sự xảy ra không? Người đàn ông đó có thực sự hiện hữu?

VARGAS LLOSA

Có, ông ấy có thật, mặc dù không chính xác như cuốn sách mô tả. Tôi đã thay đổi và thêm thắt rất nhiều. Nhưng phần lớn, nhân vật đó tương ứng với một người trước kia từng là một chiến sĩ theo phái Trotsky và đã bị bỏ tù vài lần. Tôi có ý tưởng cho chương cuối cùng khi nói chuyện với ông ấy và ngạc nhiên khi thấy rằng quãng thời gian mà tôi xem là quan trọng trong cuộc đời ông ấy thì nó lại là thứ yếu đối với ông ấy — một cuộc phiêu lưu trong những cuộc phiêu lưu của một cuộc đời chìm nổi. Trong suốt buổi nói chuyện, tôi thật sự kinh ngạc khi nhận ra rằng tôi biết nhiều về vấn đề đó hơn ông ấy. Ông ấy đã quên hẳn một số sự kiện và thậm chí có những điều ông cũng chưa từng biết đến. Tôi cho rằng chương cuối cùng là chương quyết định vì nó thay đổi toàn bộ ý nghĩa của cuốn sách.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Xin ông nói về nhân vật Pedro Camacho trong Dì Julia và người viết kịch bản, kẻ đã viết kịch bản truyền thanh nhiều kỳ và bắt đầu lẫn lộn lung tung các cốt truyện với nhau.

VARGAS LLOSA

Pedro Camacho không hề có thật. Khi tôi làm ở đài phát thanh vào đầu những năm 50, tôi biết một người đàn ông viết kịch truyền thanh nhiều kỳ cho Đài phát thanh Trung ương ở Lima. Ông ấy là một người có cá tính thật sự, làm việc như một cái máy viết kịch bản: ông ấy viết vô số chương hồi một cách dễ dàng khôn tả, nhưng hiếm khi nào bỏ thì giờ để đọc lại những gì mình viết. Tôi thực sự thích ông ấy, có lẽ vì ông ấy là một nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên mà tôi biết. Nhưng điều thực sự làm tôi kinh ngạc là cả một thế giới bao la dường như thoát ra khỏi ông ấy dễ dàng như một hơi thở; và tôi đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi ông ấy khi ông ấy bắt đầu làm những gì mà Pedro Camacho làm trong cuốn sách. Cho đến một ngày, những câu chuyện ông ấy viết bắt đầu chồng chéo lẫn lộn lên nhau và đài phát thanh nhận được nhiều thư độc giả báo cho họ biết về một số điều bất thường như việc các nhân vật di chuyển từ câu chuyện này sang câu chuyện khác. Điều đó đã gợi ý cho tôi viết Dì Julia và người viết kịch bản. Nhưng dĩ nhiên, nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đã được biến dạng nhiền lần; hắn chẳng dính dấp gì mấy với mẫu người thật ở ngoài đời, ông ấy không hề trở nên điên loạn như nhân vật trong tiểu thuyết. Tôi nhớ ông ấy đã rời khỏi đài phát thanh, đi du lịch… Kết cục ít bi thảm hơn trong cuốn tiểu thuyết nhiều.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Phải chăng cũng có một thứ siêu ngôn ngữ trong cuốn tiểu thuyết hiểu theo nghĩa là Varguitas, nhân vật được xây dựng dựa theo tiểu sử của ông, sống một cuộc đời khôi hài như cuộc đời của hàng loạt các nhân vật của Camacho?

VARGAS LLOSA

Gần đúng như thế. Khi tôi viết cuốn Dì Julia, tôi định sẽ kể câu chuyện của Pedro Camacho. Tôi đã đi khá sâu vào cuốn tiểu thuyết thì tôi nhận ra rằng nó bắt đầu trở thành một kiểu trò chơi trí óc và nó sẽ không được khả tín cho lắm. Và, như tôi đã nói lúc nãy, tôi mắc bệnh hiện thực chủ nghĩa. Thế nên, như một đối-điểm của tính chất phi lý trong truyện của Pedro Camacho, tôi quyết định tạo ra tình tiết mang tính hiện thực hơn để có thể cắm neo cuốn tiểu thuyết vào hiện thực. Và bởi vì lúc đó chính tôi cũng đang sống như trong phim truyện tình cảm xã hội — cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi – nên tôi đưa câu chuyện nhiều tính riêng tư ấy vào và kết hợp với câu chuyện kia, hy vọng có thể tạo nên được sự đối lập giữa một thế giới huyễn tưởng và một thế giới gần như ký sự. Trong quá trình nỗ lực để thực hiện điều này, tôi nhận ra rằng thật là bất khả, vì khi bạn viết một mẩu chuyện hư cấu thì cái cảm giác về tính chất phi thực cứ luôn luôn xen vào trong nó, trái với ý muốn của tác giả. Câu chuyện thật của cá nhân trở nên cũng điên rồ như câu chuyện kia. Ngôn ngữ tự nó có khả năng chuyển hoá hiện thực. Vì thế câu chuyện của Varguitas có những yếu tố tự truyện trong đó và những yếu tố đó đã được thay đổi một cách sâu sắc, bởi sự lây nhiễm của tính chất phi thực, có thể nói như thế.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Trong một số bài báo những năm gần đây, ông đã đưa ra đôi lời khẳng định có vẻ rất bi quan. Vào năm 1982, chẳng hạn, ông viết: “Văn chương quan trọng hơn chính trị. Nhà văn chỉ nên dấn thân vào chuyện chính trị theo nghĩa chống lại những mưu đồ nguy hiểm và đặt chúng vào đúng chỗ của chúng.” Phải chăng đó là một cái nhìn bi quan về những gì chính trị có thể làm để mang lại sự tiến bộ?

VARGAS LLOSA

Không phải thế. Ý tôi là văn chương liên hệ đến những gì có tính chất trường cửu hơn là chính trị; nhà văn không thể đặt ngang hàng văn chương và chính trị mà không khỏi thất bại như một nhà văn và có lẽ cả như một chính trị gia nữa. Chúng ta cũng phải nhớ là những hành động chính trị thì khá phù du trong khi văn chương lại là chuyện lâu dài. Anh không viết một cuốn sách cho thời điểm hiện tại; để một tác phẩm gây ảnh hưởng trong tương lai, thời gian phải đóng vai trò của nó, và điều đó chưa bao giờ, hoặc hiếm khi, áp dụng cho những hành động chính trị. Tuy nhiên, ngay cả khi nói như vậy, tôi sẽ không bao giờ ngưng đưa ra những phán đoán về khí hậu chính trị hay ngưng ràng buộc tôi vào những gì tôi nói và những gì tôi làm. Tôi tin rằng một nhà văn không thể tránh né sự dính dự vào chính trị, đặc biệt là ở những đất nước như đất nước của tôi khi các vấn đề thì nan giải và tình cảnh kinh tế và xã hội thường có những phương diện đầy kịch tính. Điều hết sức quan trọng là các nhà văn phải hành động bằng cách này hay cách khác, qua việc đưa ra những lời phê bình, những ý tưởng, qua việc dùng óc tưởng tượng của mình để đóng góp vào giải pháp của các vấn đề. Tôi nghĩ rằng điều thiết yếu là các nhà văn phải trình bày tầm quan trọng của sự tự do cho xã hội cũng như cho cá nhân — bởi cũng như tất cả giới nghệ sĩ, họ cảm nhận điều này một cách mạnh mẽ hơn bất kỳ ai khác. Công lý, điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn thực thi, không bao giờ nên bị tách rời khỏi sự tự do; và chúng ta không bao giờ nên chấp nhận quan niệm rằng vào những thời điểm nào đó sự tự do có thể bị hy sinh dưới danh nghĩa của công lý xã hội hay an ninh quốc gia, như những nhà chuyên chế từ phía cực tả và những kẻ phản động từ phía cực hữu bắt chúng ta phải chấp nhận. Các nhà văn biết điều này bởi vì mỗi ngày họ đều cảm nhận được mức độ tự do cần thiết cho sáng tạo, và cho chính cuộc sống nữa. Việc các nhà văn nên bảo vệ sự tự do của họ cũng cần thiết như việc bảo vệ sự công bằng trong chế độ lương bổng hoặc quyền lao động.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Nhưng tôi đang trích dẫn lời phát biểu của ông chính vì cái nhìn bi quan của lời phát biểu đó về những gì chính trị có thể làm. Các nhà văn có nên hoặc có thể chỉ chuyên chú vào việc bày tỏ sự phản đối của họ hay không?

VARGAS LLOSA

Tôi nghĩ điều quan trọng là các nhà văn tham dự, đưa ra những phán đoán, và can thiệp, nhưng đồng thời không để chính trị xâm nhập và phá hoại lĩnh vực văn học, địa hạt sáng tạo của nhà văn. Khi điều đó xảy ra, nó giết chết nhà văn, làm cho anh ta chỉ còn là một kẻ tuyên truyền. Do đó điều cần thiết là anh ta phải đặt giới hạn cho những hoạt động chính trị mà không từ bỏ hoặc tự tước đi nhiệm vụ phát biểu ý kiến của mình.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Làm thế nào để một nhà văn luôn bày tỏ sự bất tín đối với chính trị lại trở thành một ứng cử viên tổng thống của Peru trong cuộc tranh cử năm 1990.

VARGAS LLOSA

Một đất nước có thể đôi khi ở trong một tình trạng khẩn cấp, như chiến tranh, chẳng hạn, và trong trường hợp đó thì không có sự lựa chọn nào khác. Tình trạng của Peru ngày nay thật là thảm hại. Kinh tế đang suy sụp. Sự lạm phát tăng đến mức kỷ lục. Trong mười tháng đầu năm 1989, dân chúng đã mất đi một nửa mãi lực. Bạo lực chính trị đã đến tột cùng. Điều nghịch lý là, ở giữa cuộc khủng hoảng khổng lồ đó, dường như lại thấp thoáng cái khả năng tạo ra những thay đổi to lớn để đưa đến dân chủ và tự do kinh tế. Chúng tôi có thể xét lại cái mô thức làm chủ tập thể và xã hội chủ nghĩa cho đất nước vốn đã được áp dụng ở Peru từ năm 1968. Chúng tôi không nên bỏ lỡ cơ hội này để khôi phục lại những gì chúng tôi đã tranh đấu trong những năm vừa qua: đó là việc cải cách tự do và tạo ra một nền kinh tế thị trường thực sự. Đó là chưa kể đến việc cần sửa đổi lại cái thái độ văn hoá chính trị ở Peru đã gây ra cuộc khủng hoảng đang lan rộng ra cả nước. Tất cả những lý do này đã khiến tôi vượt qua những dè dặt vốn có và đưa đến sự tham dự của tôi vào cuộc đấu tranh chính trị — một ảo tưởng rất ngây thơ, rốt cuộc là thế.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Với tư cách một nhà văn, ông nghĩ phẩm chất tốt nhất và khuyết điểm lớn nhất của ông là gì?

VARGAS LLOSA

Tôi nghĩ phẩm chất tốt nhất của tôi là sự kiên trì: tôi có thể làm việc cực kỳ chăm chỉ và có thể khai thác chính tôi nhiều hơn mức tôi tưởng là có thể. Khuyết điểm lớn nhất của tôi, tôi nghĩ, chính là sự thiếu tự tin, điều này đã dày vò tôi một cách khủng khiếp. Tôi mất ba hay bốn năm để viết một cuốn tiểu thuyết — và bỏ ra phần lớn thời gian đó để tự hoài nghi. Điều đó không trở nên khá hơn theo thời gian; trái lại, tôi nghĩ là tôi càng ngày tôi càng tự phê bình và càng thiếu tự tin. Có thể đó là lý do tại sao tôi không kiêu ngạo: lương thức của tôi quá mạnh. Nhưng tôi biết rằng tôi sẽ còn viết cho đến ngày tôi chết. Sự viết lách thuộc về bản tính tự nhiên của tôi. Tôi sống theo tác phẩm của mình. Nếu tôi không viết, đầu óc tôi sẽ nổ tung, không chút nghi ngờ nào cả. Tôi muốn viết nhiều sách hơn và hay hơn. Tôi muốn có nhiều cuộc phiêu lưu thú vị và tuyệt vời hơn tôi đã có. Tôi chối từ việc thừa nhận là có thể thời gian sung mãn nhất của tôi đã thuộc về quá khứ, và sẽ không thừa nhận điều đó ngay cả khi phải đối mặt với bằng chứng.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Tại sao ông viết?

VARGAS LLOSA

Tôi viết bởi vì tôi buồn khổ. Tôi viết bởi vì đó là một cách để chống lại sự buồn khổ.

[hết]

[1]Nguyên tác tiếng Tây-ban-nha là García Márquez: Historia de un decidio, luận án tiến sĩ của Mario Vargas Llosa hoàn tất năm 1959 tại Universidad Complutense de Madrid. Mario Vargas Llosa đã cho xuất bản cuốn này vào năm 1971.

[2]Nguyên tác tiếng Pháp là Saint Genet, comédien et martyr của Jean-Paul Sartre, xuất bản lần đầu vào năm 1952. Sartre viết cuốn này để xiển dương Jean Genet (1910-1986). Trong bài phỏng vấn đăng trên Paris Review, tên cuốn sách này bị ghi nhầm thành “Saint Genet: Comedian or Martyr” [Thánh Genet: Nhà hài kịch hay người tuẫn đạo].

[3]Isla Negra (nói tắt của “Casa de Isla Negra”) là một trong ba ngôi biệt thự của Pablo Neruda ở Chile. Biệt thự này toạ lạc tại vùng duyên hải Isla Negra ở El Quisco, cách thủ đô Santiago hơn 100km. Đây là ngôi biệt thự mà Neruda yêu thích nhất, và mỗi lần trở về Chile, ông cùng người vợ thứ ba, Matilde Urrutia, thường dành phần lớn thì giờ để thưởng thức cảnh biển tuyệt đẹp và những buổi tiệc tùng hào sảng với bạn bè ở đó.

[4]Nguyên tác: La guerra del fin del mundo (1981).

[5]Nguyên tác: Historia de Mayta (1984).

[6]Nguyên tác: Elogio de la madrastra (1988).

[7]Nguyên tác: Pantaleón y las visitadoras (1973).

[8]Nguyên tác: Kathie y el hipopótamo (1983).

[9]Thanh Lâu: nhan đề nguyên tác là La Casa Verde (1965). Trong cuốn tiểu thuyết này, La Casa Verde (Ngôi Nhà Xanh) là tên một ổ điếm trong vùng hoang mạc gần thị trấn Puira, ở phía bắc Peru.

[10]Năm 1897, một đám rất đông dân làng bất mãn do cố đạo Antonio Marciel cầm đầu đã chiếm thị trấn Canudos ở vùng nội địa “sertões” của Ba-tây thuộc bang Bahia. Dưới sự chỉ đạo của Maciel, người nổi danh dưới biệt hiệu “ngài Cố vấn”, họ tuyên bố Canudos là một lãnh thổ độc lập. Cuối cùng, sau khi các nỗ lực khống chế của cảnh sát và quân đội đều thất bại, chính ông Bộ trưởng quốc phòng Ba-tây đã đứng ra chỉ huy một đạo quân đến đó và dập tắt cuộc nổi loạn.

[11]Nguyên tác tiếng Bồ-đào-nha của Euclides da Cunha có nhan đề là Os Sertões (1902).

Phan Quỳnh Trâm dịch từ bản tiếng Anh, “Mario Vargas Llosa, The Art of Fiction No. 120”, Interviewed by Susannah Hunnewell, Ricardo Augusto Setti, Paris Review (Fall 1990, No. 116).
Hoàng Ngọc Tuấn hiệu đính.
https://phanquynhtram.com/2014/02/03/nghe-thuat-van-chuong-mario-vargas-llosa/

? Top1Go : LINK ĐẾN NHÀ CUNG CẤP THƯƠNG HIỆU NÀY

? Top1Go : LINK TO THIS BRAND SUPPLIER

Code Embed: No embed code was found for TOP1INDEX-100057657930799


?????⛰???☎️????????????????????…
#MARIO #VARGAS #LLOSA #NGHỆ #THUẬT #VĂN #CHƯƠNG #HƯ #CẤUPHẦN #2Susannah #Hunnewell #và #Ricardo #Augusto #Setti #thực #hiệnNGƯỜI #PHỎNG #VẤNCó #phải #vấn #đề #cá



[bsa_pro_ad_space id=2] [give_form id="2868661"]
[bsa_pro_ad_space id=2]

Ways to Give | ASE Foundation for Cardiovascular Ultrasound

top1brand
Logo
Compare items
  • Total (0)
Compare
0
Shopping cart