Nội dung [Hiện]
Bạn đã học suốt cả quãng đời học sinh, sinh viên nhưng nếu ai đó hỏi bạn có giỏi tiếng Anh không, bạn chỉ dám e thẹn trả lời “Tiếng Anh của tớ… không tốt lắm” hay “Đủ dùng” đúng không? Vậy thì bài viết dành cho bạn, những người đang “đánh vật” với môn tiếng Anh, mới bắt đầu hoặc mất gốc chưa tìm được phương pháp học tiếng Anh hiệu quả. Bản chất tiếng Anh là một môn ngoại ngữ phổ thông, người khác học được thì bạn cũng có thể làm được. Cùng khám phá bài viết dưới đây để tìm ra bí mật chinh phục tiếng Anh nhé!
Contents
A. Mục đích học tiếng Anh
Trước khi bắt tay học tiếng Anh, bạn hãy tìm hiểu mục đích học tiếng Anh của mình là gì?
- Bạn mất gốc tiếng Anh?
- Bạn là người bận rộn, không có thời gian học tập để nâng cao kĩ năng tiếng Anh, tạo cơ hội thăng tiến trong công việc?
- Bạn là học sinh, sinh viên nhưng bị mất lửa học tiếng Anh
- Phát âm, ngữ pháp, từ vựng tiếng Anh đều có lỗ hổng, làm sao để cải thiện những điểm yếu này?
Tùy theo mục tiêu bạn đặt ra cho việc học tiếng Anh, bạn sẽ xây dựng một lộ trình học tập khác nhau. Do đó, đừng vội học ào ào ngay lập tức, hiểu bản thân muốn gì và dày công lập kế hoạch sẽ giúp bạn đi đúng hướng và đạt được mục đích cuối cùng của bản thân.
Ví dụ mục tiêu của bạn là luyện phát âm chuẩn giọng Mỹ trong vòng 3 tháng, thì bạn sẽ đi từ việc học ngữ âm IPA chuẩn quốc tế trước, tập nhấn nhá trọng âm, ngữ điệu bản ngữ, sau đó luyện nghe đơn giản (nghe audio truyện ngắn thiếu nhi, nghe tốc độ chậm,…)
Còn khi bạn đã có nền tảng phát âm tiếng Anh tốt và muốn nâng cao khả năng giao tiếp của mình, hãy tập tành với loạt chủ đề học tiếng Anh giao tiếp, học các mẫu câu thông dụng giao tiếp hằng ngày, lưu tâm đến một số ngữ pháp tiếng Anh cơ bản để hỏi đáp thuần thục trong khi nói chuyện.
Còn với mục tiêu của các bạn muốn học nâng cao lên? Các bạn có thể đặt ra thử thách lớn hơn với bản thân như nghe – hiểu một bộ phim Mỹ không cần phụ đề, nghe Ted Talk và sau đó tự nói lại một cách tóm tắt chủ đề đã nghe,…
Cho nên việc xác định trình độ tiếng Anh của bạn ở mức nào, mục đích bạn học tiếng Anh làm gì rất quan trọng, đây sẽ là tiền đề để bạn xây “chiếc móng” vững chắc trong việc chinh phục môn ngoại ngữ này.
Trong phần tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu với bạn một số phương pháp học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả cho người mới bắt đầu hoặc mất gốc. Nhưng đừng lo lắng nếu mục tiêu của bạn không phải là học giao tiếp, bởi bài viết sẽ có rất nhiều thông tin hữu ích phục vụ cho kế hoạch học tiếng Anh của bạn đấy.
B. Phương pháp học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả cho người mất gốc
1. Nghe tiếng Anh thường xuyên
Những nhà nghiên cứu sử dụng thuật ngữ đặc biệt để nói về việc học ngôn ngữ, đó là vô thức hay tiềm ẩn. Việc học này diễn ra ngay cả khi bạn không cần cố gắng hay ngồi vào bàn học và cũng chẳng cần phải thật tập trung. Bạn chỉ cần nghe thật nhiều tiếng Anh cũng có thể học được. Bởi bộ não của bạn sẽ tự động hấp thụ âm thanh, giọng, lời nói và ngữ pháp tiếng Anh, ngay cả khi bạn không lắng nghe, nói hoặc ghi chú.
Điều thú vị là bạn có thể học tiếng Anh bằng cách nghe dù không hiểu họ đang nói gì. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mọi người có khả năng học bất kỳ ngôn ngữ nào bằng cách lắng nghe. Đây là cách học tự nhiên nhất. Minh chứng cụ thể là trẻ em. Khi nhỏ, chúng chưa thể nói mà chỉ biết lắng nghe. Chúng dành nhiều thời gian để nghe trước khi có thể hiểu được những gì người đối diện nói và đạt được khả năng sử dụng ngôn ngữ thành thạo.
Vì vậy, điều trước nhất bạn cần làm là nghe tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi, bất cứ khi nào có điều kiện qua TV, nghe nhạc, audiobook… Bạn cũng nên tới những nơi có thể nghe được người bản ngữ nói chuyện, giao tiếp với nhau. Tuy nhiên, bạn không cần bắt mình ngồi một chỗ và tập trung cao độ để lắng nghe. Thay vào đó, bạn có thể vừa nghe tiếng Anh, vừa đi dạo, tham quan, nấu ăn, làm việc nhà hay tập thể dục… miễn là những âm thanh tiếng Anh vẫn âm vang trong tai của bạn. Đây chính là phương pháp học tiếng Anh giao tiếp nghe thụ động được rất nhiều người áp dụng.
2. Tìm hiểu các âm, cách phát âm trong tiếng Anh
Theo nhiều nghiên cứu, học một ngôn ngữ mới giúp bộ não của con người phát triển lớn hơn. Từ đó cho thấy tốc độ phát triển của não càng lớn thì việc học ngôn ngữ của bạn càng dễ dàng. Ngoài ra, điều thú vị nữa là não của con người sẽ phản ứng khác nhau với những âm thanh khác nhau.
Một trong những điều khó khăn nhất khi học ngôn ngữ mới là các âm (phụ âm, nguyên âm…), cách phát âm. Tiếng Anh sẽ xuất hiện một số âm mà tiếng mẹ đẻ của bạn không bao giờ sử dụng. Tuy nhiên, dù hai ngôn ngữ khác nhau như thế nào, chúng vẫn sẽ có những điểm tương đồng.
Việc cần làm của người học là phải hiểu rõ về âm trong tiếng Anh để từ đó, bạn có thể nhận biết được từ đúng – từ sai. Ví dụ, bạn đang muốn viết từ “ghost” (con ma) và bạn không biết chắc chắn rằng chữ “h” hay “g” đứng trước. Nếu nắm rõ được cách phát âm của tiếng Anh, bạn sẽ thấy âm “gh” rất khó nói. Dựa vào điều này, người học có thể viết được từ chính xác.
3. Liên kết từ mới với hình ảnh
Học ngôn ngữ bằng cách liên kết giữa từ và hình ảnh là cách rất hữu dụng, giúp tăng tốc độ tiếp thu của bạn. Ví dụ, khi nghe thấy tiếng sủa “gâu – gâu”, bạn sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh con chó (dog); khi nhìn thấy một bức tranh có hình mặt trời, bạn sẽ nghĩ tới từ “sun” (mặt trời), “warm” (ấm áp) hay “hot” (nóng). Bạn sẽ không phải suy nghĩ nhiều để “bật” ra những từ này bằng tiếng Anh bởi chúng đã tự động được thiết lập trong tâm trí của bạn.
Vậy thay vì phải nhớ các định nghĩa của từ một cách tẻ nhạt, bạn có thể kết nối chúng với hình ảnh bằng việc tra Google Image hay tự vẽ một bức tranh sinh động khi gặp một từ, cụm từ mới… Ngoài ra, bạn cũng có thể đưa từ mới đó vào một câu, một ngữ cảnh cụ thể để nhớ từ lâu hơn.
4. Dưới đây sẽ là một số bí quyết học tiếng Anh giúp bạn nâng cao kỹ năng phản xạ
Học sâu: Ngoài việc nghe hằng ngày việc học từ và nói cũng là rất quan trọng. Tuy vậy dù nói thế nào đi nữa bạn cũng phải học thật chậm, thật sâu để tiếng Anh dần dần ngấm vào đầu bạn. Việc học lướt qua sẽ chỉ làm một ngôn ngữ bám lên người và nó có thể rời khỏi bạn bất kỳ lúc nào. Với việc học từ hãy ghép nó với các câu, các văn bản rồi tạo cho mình 1 quyển sổ để ghi lại tất cả. Với học nói hãy tập thường xuyên ở một chủ đề nào đó đến bao giờ trôi chảy mới thôi. Còn học nghe như đã nói hãy thực hiện bất kỳ lúc nào bạn có thời gian. Học thật sâu bởi “dục tốc bất đạt” và càng học kỹ thì càng nhanh và hiệu quả.
Học tiếng anh qua phim ảnh: Trước tiên, để cho dễ hiểu, dễ tiếp thu, bạn hãy chọn những cuộn film tiếng Anh gồm những mẫu chuyện nhỏ, đơn giản có nhiều từ vựng thông thường giúp bạn dễ hiểu. Dần dần bạn sẽ sử dụng những bộ film có vốn từ phức tạp hơn đại trà hơn.
Sách tham khảo: Có khá nhiều sách nhằm cung cấp cho yêu cầu học tiếng Anh.Bạn nên cẩn trọng khôn ngoan trong việc chọn sách. Tìm đọc những sách của tác giả nào viết hay. Nên biết mình mua thể loại nào, cần cung ứng cho bạn điều gì. Đành rằng cần nhiều sách để tham khảo nhưng không phải bạ sách nào dạy tiếng Anh là mua, của bất cứ tác giả nào cũng không cần chắt lọc.
>>> Xem thêm bộ tài liệu tiếng Anh giao tiếp cơ bản – Download miễn phí.
Cần phải học thuộc từ vựng song song với các câu mẫu: Muốn thành thạo Anh ngữ bạn không thể thiếu những yêu cầu này là nên học từ vựng song song với câu mẫu. Hay nói một cách khác: trong câu mẫu có lồng từ vựng. Và như vậy để hiểu được câu, bạn phải thuộc từ vựng trước đã. Các chủ điểm học tiếng Anh giao tiếp hằng ngày đề sẽ giúp bạn dễ dàng chinh phục cả từ vựng, mẫu câu và hội thoại tiếng Anh.
Thời gian học tiếng Anh phải như thế nào? Nếu bạn hiếm hoi thời gian trong ngày, bạn có thể rút bớt thời gian dành cho môn rèn luyện tiếng Anh. Nhưng ngày nào bạn cũng phải có thời gian học liên tục. Vì nếu một ngày bạn quên học, vốn tiếng Anh trong đầu bạn sẽ không nhạy nữa. Học tiếng Anh cũng giống như chiếc xe cần bôi dầu mỡ hàng ngày, nếu không nó sẽ trở nên rỉ sét và khó khởi động.
Bên cạnh những phương pháp trên, một phương pháp học tiếng Anh cho người chưa biết gì vừa tiết kiệm lại vừa hiệu quả là tham gia 1 khoá học tiếng anh giao tiếp online miễn phí cũng phần nào giúp bạn tìm được phương pháp học tốt nhất dành cho mình.
C. Bao lâu có thể giao tiếp tiếng Anh thành thạo?
Câu hỏi hóc búa và câu trả lời lại tùy thuộc vào trình độ hiện tại, khả năng tiếp thụ, mức độ luyện tập và mục tiêu của từng người học.
Nhưng hầu hết nếu tuân thủ theo các quy tắc và phương pháp học tiếng Anh thì bạn sẽ mất từ 1 -3 tháng để luyện phát âm tiếng Anh chuẩn giọng bản ngữ, mất từ 3 – 6 tháng để giao tiếp ngon lành, tuy nhiên sẽ mất kha khá thời gian hơn để học tiếng Anh học thuật như IELTS hay TOEFL…
Tuy nhiên, bạn cần ghi nhớ một số nguyên tắc học tiếng Anh để không bị bi quan cũng như lơ là việc thực hành giao tiếp:
1. Khi học tiếng Anh giao tiếp, đừng quá chú trọng vào ngữ pháp
Việc quá chú trọng vào việc đặt câu đúng, nói câu hoàn chỉnh khiến bạn dễ bị đứt đoạn tư duy, ngắt quãng câu chữ. Sa đà lâu thành thói quen khiến bạn giảm mức độ phản xạ khi giao tiếp.
2. Tìm hiểu và nghiên cứu các cụm từ
Việc học từ vựng tiếng Anh không có kế hoạch, và rời rạc cũng làm giảm tư duy của bạn đáng kể. Đừng cố gom góp 3000 từ vựng, mà hãy học chăm chăm vào 100 cụm từ tiếng Anh, bạn sẽ thấy cách sử dụng ngôn ngữ “lên đỉnh” tức thì.
3. Chỉ Đọc và Nghe là KHÔNG đủ
Hãy thực hành Nói những gì bạn nghe: Một ngôn ngữ được cấu thành bởi 4 kĩ năng quan trọng là Nghe – Nói – Đọc – Viết. Cho nên đọc nhiều, nghe nhiều đã tốt, nhưng đừng quên vận dụng chúng khi bạn nói tiếng Anh nhé. Nói là yêu cầu duy nhất để bạn có thể sử dụng trôi chảy Tiếng Anh. Đây là điều bình thường đối với trẻ sơ sinh và trẻ em, chúng phải học nói tiếng đầu tiên, trở nên thành thạo, sau đó mới bắt đầu đọc, sau đó viết. Vì vậy thứ tự tự nhiên sẽ là nghe, nói, đọc, sau đó viết. Luyện nói tiếng Anh thường xuyên là cách tốt nhất giúp bạn trau dồi kĩ năng speaking hoàn hảo. Bạn có thể tham khảo một vài mẹo nhỏ giúp bạn chinh phục các mục tiêu tiếng Anh giao tiếp.
4. Và cuối cùng luyện tập liên tục mỗi ngày để biến ngôn ngữ trở thành sở thích, thói quen và một phần con người bạn
Ví dụ hãy cố gắng “mã hóa” những thứ xung quanh bạn bằng tiếng Anh: gọi tên những đồ vật trong nhà, ngoài đường bằng tiếng Anh, giao tiếp với bạn bè thân bằng tiếng Anh, viết caption post trải nghiệm hằng ngày của bạn bằng tiếng Anh, luyện nói cùng với người nước ngoài qua các ứng dụng trên điện thoại hay tham gia các sự kiện trao đổi văn hóa, học thuật tiếng Anh…
Trên đây là tổng hợp kinh nghiệm học tiếng Anh giao tiếp của mình. Nên nhớ, bắt đầu luôn là thứ khó khăn nhưng dám bắt đầu tức là bạn đã đặt một chân vào chiến thắng bản thân mình rồi. Việc còn lại là vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm của người đi trước để chinh phục tiếng Anh thôi. Chúc các bạn học thành công. Nếu thấy hay và hữu ích, đừng ngần ngại chia sẻ nó nhé!
>>> Xem thêm các chủ đề học tiếng Anh giao tiếp hữu ích cho người mới bắt đầu.